KHUNG PHÁP LÝ CỦA VIỆT NAM VỀ TÍN CHỈ CARBON
Tính đến thời điểm hiện tại, “tín chỉ carbon” đã được quy định trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Các văn bản pháp luật chính điều chỉnh tín chỉ carbon bao gồm Luật Bảo vệ môi trường 2020, Nghị định 06/2022/NĐ-CP và Nghị định 119/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/08/2025 sửa đổi, bổ sung Nghị định 06/2022/NĐ-CP. Ngoài ra, vào ngày 24/01/2025, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 232/QĐ-TTg phê duyệt đề án thành lập và phát triển thị trường cacbon tại Việt Nam.
Theo đó, mục tiêu phát triển thị trường carbon tại Việt Nam là góp phần giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thúc đẩy chuyển đổi xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam ở trong nước và trên thị trường thế giới, phát triển nền kinh tế carbon thấp và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Hàng hóa trên thị trường carbon gồm 02 loại: Hạn ngạch phát thải khí nhà kính và Tín chỉ carbon. Hạn ngạch phát thải khí nhà kính là lượng khí nhà kính mà tổ chức được phép phát thải trong một khoảng thời gian xác định, được tính theo tấn khí carbon dioxide (CO2) hoặc tấn khí carbon dioxide (CO2) tương đương. Tín chỉ cacbon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một tấn khí carbon dioxide (CO2) hoặc một tấn khí carbon dioxide (CO2) tương đương.
Để vận hành thị trường cacbon, pháp luật Việt Nam có quy định về: (i) hệ thống đăng ký quốc gia về hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ cacbon, và (ii) sàn giao dịch carbon.
Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội là đơn vị xây dựng và cung ứng dịch vụ sàn giao dịch carbon. Bộ Nông nghiệp và Môi trường xác nhận và cấp mã số cho hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon được giao dịch trên sàn. Chủ thể khi tham gia giao dịch phải có tài khoản lưu ký giao dịch. Tổng Công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam cung ứng dịch vụ lưu ký, thanh toán giao dịch.
Chính phủ đặt lộ trình thí điểm thị trường cacbon từ tháng 6 năm 2025 đến hết năm 2028. Từ năm 2029, vận hành chính thức thị trường carbon.
Hiện tại, khung pháp lý cụ thể hướng dẫn hoạt động của sàn giao dịch carbon vẫn đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng nên chủ động cập nhật các quy định pháp luật mới, trước mắt là Nghị định 119/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/08/2025 và chủ động xây dựng và triển khai các kế hoạch giảm phát thải nhằm tối ưu hóa việc sử dụng hạn ngạch và thậm chí tạo ra tín chỉ carbon để giao dịch, mang lại lợi ích kinh tế. Việc các doanh nghiệp chủ động chuẩn bị trước không chỉ giúp doanh nghiệp tuân thủ pháp luật mà còn là một phần quan trọng trong chiến lược ESG tổng thể, giúp giảm thiểu rủi ro và tận dụng cơ hội trong nền kinh tế xanh.