TỪ NHẬN DIỆN ĐẾN HÀNH ĐỘNG: BNA LEGAL ĐỒNG HÀNH CÙNG DOANH NGHIỆP QUẢN TRỊ RỦI RO PHÁP LÝ
Vừa qua, tại sự kiện kỷ niệm 8 năm thành lập Công ty KKD, BNA Legal hân hạnh đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp và các anh chị chuyên môn ở nhiều lĩnh lực trong phiên thảo luận chủ đề: “Bình ổn chờ đợi hay Bứt phá khác biệt” – nơi tập trung các góc nhìn chiến lược về sự phát triển của kinh tế tư nhân trong nửa cuối năm 2025.
Trong khuôn khổ chương trình, Luật sư Nguyễn Thùy Dung – Founder & CEO của BNA Legal đã đại diện công ty tham gia phiên chuyên đề 3 với phần trình bày:
“Nhận diện rủi ro pháp lý trong doanh nghiệp – Từ Thành lập, Vận hành đến Giải thể”.
Với tư duy pháp lý thực tiễn và ngôn ngữ gần gũi, Luật sư Dung đã mang đến bức tranh toàn diện nhưng dễ tiếp cận về những “nguy cơ âm thầm” có thể khiến doanh nghiệp phải trả giá nếu không kịp thời phòng ngừa bằng tư duy pháp lý chuẩn mực.
Giai đoạn Thành lập: “Gốc rễ” quyết định sự vững mạnh lâu dài
Ngay từ khi bắt đầu, nhiều doanh nghiệp đã vô tình rơi vào những rủi ro pháp lý nghiêm trọng do thiếu sự chuẩn bị kỹ lưỡng:
- Đăng ký vốn điều lệ nhưng không góp vốn đúng với nội dung đã đăng ký có thể dẫn đến các hậu quả pháp lý khác nhau.
- Nội dung điều lệ sơ sài, không đảm bảo các điều khoản ràng buộc cần thiết có thể là nguyên nhân dẫn đến tranh chấp nội bộ.
- Góp vốn không có bằng chứng (chuyển khoản, biên bản góp vốn) khiến việc xác minh sở hữu trở nên mơ hồ.
- Thành viên, cổ đông của công ty không nhận thức đầy đủ được việc chuyển quyền sở hữu đối với tài sản khi góp vốn thành lập công ty bằng tài sản, dẫn đến các tranh chấp sau này.
Giai đoạn Vận hành: Doanh nghiệp không chỉ cần sản phẩm tốt, mà còn cần vận hành đúng luật
Theo Luật sư Dung, nhiều doanh nghiệp khi đi vào hoạt động thường tập trung quá nhiều vào thị trường mà bỏ quên những khung pháp lý bắt buộc phải tuân thủ:
- Không nắm rõ các vấn đề về quản trị, đặc biệt là sự phân quyền giữa Đại hội đồng cổ đông và Hội đồng quản trị.
- Tham gia hoạt động thương mại thiếu hợp đồng rõ ràng, dễ dẫn đến tranh chấp, rủi ro kiện tụng.
- Rủi ro tranh chấp lao động khi không nắm chắc luật lao động hoặc thiếu chính sách nhân sự cụ thể.
- Vi phạm trình tự thủ tục trong tổ chức cuộc họp khiến nghị quyết được ban hành có thể không có hiệu lực pháp lý.
- Vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin, điển hình như:
+ Không công bố báo cáo tài chính đúng hạn;
+ Báo cáo muộn so với quy định pháp luật chứng khoán;
+ Không khai báo đầy đủ các giao dịch với bên liên quan.
Giai đoạn Giải thể: Khi kết thúc cũng cần đúng luật
Ngay cả khi không còn hoạt động, doanh nghiệp vẫn phải tuân thủ các quy trình pháp lý:
- Trường hợp góp vốn không đúng cam kết, khai khống vốn điều lệ sẽ ảnh hưởng đến việc giải thể.
- Công nợ với cơ quan thuế hoặc bên thứ ba nếu không được xử lý dứt điểm có thể kiến việc giải thể bị đình chỉ hoặc kéo dài, gây thiệt hại cho các bên liên quan.
Luật sư Nguyễn Thùy Dung nhấn mạnh rằng, quá trình giải thể không đơn thuần là “đóng cửa doanh nghiệp” , mà còn là “đóng đúng và đóng đủ” theo định của pháp luật.
Cũng trong khuôn khổ sự kiện, Công ty TNHH Liên minh Quốc tế BNA đã chính thức ký kết hợp tác chiến lược với KKD nhằm tư vấn pháp lý cho các hoạt động của KKD; đồng thời, cùng KKD tổ chức các buổi chia sẻ nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp cũng như các cá nhân nắm vững các quy định pháp luật.
Đây không chỉ là một cột mốc quan trọng, mà còn là minh chứng rõ ràng cho triết lý hành động của BNA Legal: “Pháp lý không phải là rào cản, mà là nền tảng vững chắc giúp doanh nghiệp bứt phá bền vững.”